Ngày đăng: 24/01/2025 14:46
Lượt xem: 16841
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc”

                                                       

Thư viện điện tử  đang là hình mẫu phát triển của các thư viện trên thế giới nhằm tiếp nhận những thời cơ và đáp ứng những thách thức từ xu thế phát triển của thời đại - xu thế hình thành một xã hội thông tin toàn cầu. Thư viện số tạo ra một môi trường và cơ hội bình đẳng rộng mở cho tất cả mọi người đều có cơ hội sử dụng nguồn tài liệu, không bị giới hạn về thời gian và không gian.

Ngày 21/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác. 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa. 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa...

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho độc giả cũng như mở rộng đối tượng phục vụ, diện phục vụ, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư nhiều trang thiết bị điện tử, hệ thống máy tính, máy chủ, phần mềm nghiệp vụ KIPOS, máy quét mã vạch, camera, cổng từ, chỉ từ, máy khử từ, thiết bị thống kê… đã tiến hành số hóa tài liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu số để bạn đọc tiếp cận nguồn thông tin. Việc số hóa tài liệu giúp người dùng tin dễ dàng truy cập, tìm kiếm và xem được nội dung toàn văn tài liệu từ xa thông qua hệ thống mạng thông tin và các phương tiện truyền thông.

Nhận thức được tầm quan trọng và tiện ích của thư viện điện tử, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành số hóa tài liệu từ năm 2015, bước đầu Thư viện thực hiện số hóa những tài liệu tại kho sách Địa chí. Đây là những tư liệu cổ, có giá trị như hương ước, thần tích, thần sắc… và những tài liệu có nội dung phản ánh về Vĩnh Phúc trong suốt quá trình lịch sử. Những tài liệu ở đây được trình bày bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung và cả những bản chữ Nôm... Những tài liệu này phần nhiều là những bản in sao, phô tô nên trong quá trình sử dụng và lưu trữ trong thời gian dài dẫn đến tài liệu này thường bị hư hỏng, phai mực, mờ chữ, mờ hình ảnh tư liệu… Vì vậy, việc số hóa tài liệu là rất cần thiết và tất yếu để có thể bảo quản được những trang tư liệu quý và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin của bạn đọc.

          Đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện: Bổ sung, biên mục, tra cứu dữ liệu, quản lý lưu thông, quản lý bạn đọc, quản lý văn bản hành chính. Xây dựng website để đưa thư viện đến gần hơn không chỉ người dân trong địa bàn tỉnh. Bạn đọc dù ở bất cứ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào vẫn có thể tìm kiếm thông tin về thư viện, tài liệu thư viện thông qua website của thư viện hiện đã có hơn 9.853.398 lượt truy cập. Triển khai số hóa tài liệu tại thư viện bao gồm 51.618 trang. Tài liệu số hóa chủ yếu là tài liệu địa chí như hương ước, thần tích thần sắc, tài liệu tiếng pháp, sách quí đã được scan, biên mục lên website là 993 cuốn; sách hay nên đọc: 425 cuốn, giới thiệu sách mới tóm tắt: 439 cuốn, thư mục chuyên đề: 16 chuyên đề, bài viết về văn hóa đọc: 48 bài; tin tức – sự kiện – hoạt động có 94 tin; có hàng chục video giới thiệu về thư viện và cuộc thi đại sứ văn hóa đọc của các em học sinh đạt giải. Tiếp nhận 899 văn bản đến và phát hành 285 văn bản đi, các tài liệu liên quan được chuyển theo địa chỉ mail thuvienvinhphuc@gmail.com.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động  thư viện tỉnh Vĩnh Phúc những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cụ thể:

- Chưa có kinh phí để bảo trì, nâng cấp phần cứng,  phần mềm quản lý thư viện dù đã ở phiên bản ban đầu rất cũ cách đây hàng chục năm nên hạn chế về nhiều tính năng, tốc độ xử lý của máy tính và hỗ trợ kỹ thuật. Cơ sở dữ liệu điện tử còn thiếu tính đồng bộ và chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng phong phú và đa dạng của người dùng tin.

- Mạng lưới thư viện lớn, rộng khắp trong toàn tỉnh nhưng chất lượng hoạt động không cao, phát triển không đồng đều.  Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thư viện còn chưa thực sự chặt chẽ, chưa tạo được sự phát triển toàn diện và đồng bộ giữa các hệ thống thư viện cơ sở.

Trong thời gian tới cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để cán bộ thư viện được nâng cao trình độ chuyên môn, Hỗ trợ cán bộ thư viện trẻ, có chuyên môn và năng lực đi đào tạo cấp thạc sỹ chuyên ngành thông tin - thư viện trong và ngoài nước; thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực thư viện, công nghệ thông tin. Cần chia sẻ nguồn lực thông tin với các thư viện dưới nhiều hình thức, đặc biệt là các loại tài liệu số. Thư viện Vĩnh Phúc có thể liên kết với các thư viện tỉnh khác, tập hợp, thống nhất cùng nhau để mua một hay nhiều cơ sở dữ liệu, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả phục vụ, tạo vốn tài liệu phong phú đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong thời đại số. Xây dựng thư viện điện tử, hiện đại hóa với các trang thiết bị máy tính hiện đại; đầu tư kinh phí để bảo trì, nâng cấp phần mềm, chuẩn hóa  cơ sở dữ liệu để đồng bộ giữa các thư viện và áp dụng rộng rãi các chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.

                                                    Lê Như Quỳnh