Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Vĩnh Phúc nói riêng. Trong cuộc đời làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc. Có những lần Bác về được thông báo trước, có lần Bác về đột xuất, lại có những lần Bác đi công tác nhưng giành một phần thời gian đến nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Cuốn sách ảnh “Những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc” được Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc xuất bản năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thống kê những lần Bác về thăm các địa danh ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Sách dày 152 trang, khổ 25cm.
Cuốn sách được cấu tạo thành 3 phần:
Phần thứ nhất: Giới thiệu về Vĩnh Phúc - Một vùng đất địa linh nhân kiệt.
Phần này khái quát cô đọng những đặc trưng cơ bản, điểm nhấn lịch sử - văn hóa của tỉnh qua các thời kỳ, giúp những độc giả hiểu được vùng đất và con người Vĩnh Phúc.
Phần thứ hai:Trình bày những sự kiện Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc.
Theo đó có 8 lần Bác Hồ về thăm các địa danh ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc:
Lần 1: Bác về thăm công trường xây dựng lại khu nghỉ mát Tam Đảo ngày 19/5/1955.
Tại đây Người ân cần thăm hỏi, động viên anh chị em kỹ sư, cán bộ, công nhân trên công trường. Thật cảm động biết bao, đúng ngày sinh Người đã vượt gần 100 cây số, trong đó có hàng chục cây số đường núi cheo leo để lên Tam Đảo, không phải để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng mà Bác lên như nhắc nhở: Tam Đảo phải xây dựng sao cho xứng đáng là khu nghỉ mát do chúng ta làm nên trên đống hoang tàn của chiến tranh, làm sống lại những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Lần 2: Ngày 12/2/1956, Bác thăm Tân Phong, một xã nghèo thuộc huyện Bình Xuyên nhưng có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, lại là xã đi đầu trong sự nghiệp khôi phục kinh tế sau chiến tranh.
Lần 3: Bác thăm HTX Nông nghiệp Lai Sơn thuộc xã Cộng Hòa, huyện Tam Dương ngày 30/3/1958. Đây là một điển hình tiên tiến trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Tại đây Bác căn dặn: “… Phải đoàn kết để xây dựng HTX, Đảng viên, đoàn viên phải thật gương mẫu, chí công vô tư. HTX phải trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ trong làng, ngoài đồng cho xanh tốt, đường làng phải rộng phẳng. Mỗi nhà phải có một giếng nước ăn, làm cho nông thôn đổi mới”.
Lần 4: Ngày 21/12/1958, Bác về thăm Phúc Yên.
Sau khi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, Bác nói chuyện với một đơn vị bộ đội của Liên khu Việt Bắc đang đóng quân ở Thành Đỏ; tiếp đó, Người gặp gỡ và nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ HTX nông nghiệp và nhân dân địa phương.
Lần thứ 5: Ngày 25/1/1961, Bác về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường - Đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc.
Bác căn dặn: “Muốn làm nhà thì phải có gỗ, muốn có gỗ thì phải trồng cây –Trồng cây nào thì phải chăm sóc cây ấy sống và tươi tốt…”. Sau đó Bác khen và vận động cả dân, cả xã đều trồng cây. Bác nói “Một người trồng được 1.000 cây không bằng nhân dân cả xã mỗi người trồng được 10 cây”.
Lần thứ 6: Ngày 2/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc. Bác biểu dương tinh thần chống hạn của quân và dân Vĩnh Phúc. Nói chuyện với 16.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân và bộ đội trong cuộc mít tinh chào mừng Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên, Người nói “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”. Đặc biệt trong phần này có đăng nguyên văn bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị bài nói chuyện khi người về thăm Vĩnh Phúc ngày 2/3/1963.
Lần thứ 7: Bác về thăm tỉnh Vĩnh Phúc ngày 16/7/1963 trong khi Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ III diễn ra từ ngày 13/7 đến ngày 20/7/1963.
Nói chuyện với Đại hội, Bác nói: “Bác chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”.
Lần thứ 8: Bác có chuyến công tác lên Tam Đảo - Vĩnh Phúc vào ngày 27/7/1968.
Theo yêu cầu công việc, đây là chuyến công tác hoàn toàn bí mật của bác, không có những cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh ủy và nhân dân Vĩnh Phúc, cũng không có ảnh ghi lại chuyến đi này. Qua nguồn tư liệu do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp, lần công tác này của Bác lên Tam Đảo được tóm lược như sau: “Ngày 27/7/1968: 5 giờ 15 phút sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ Hà Nội, 8 giờ đến Tam Đảo. Người họp với các đồng chí Quân ủy Trung ương, phát biểu ý kiến với Quân ủy rồi trở về ngôi nhà gỗ ở khu Giao Tế. 10 giờ Người hẹn với đồng chí Bùi Quang Tạo – Bộ trưởng Bộ Kiến trúc tới làm việc. 11 giờ, Bác ăn cơm trưa với các đồng chí Lê Duẩn, Lê Trọng Tấn, Bùi Quang Tạo. 17 giờ, Bác ăn cơm với các đồng chí lái xe và bảo vệ. Đ/c Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sang chào Bác về Hà Nội trước. 17 giờ 45 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời khu nghỉ mát Tam Đảo về Hà Nội”.
Phần thứ ba: Tình cảm của Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Phúc với Bác Hồ và Vĩnh Phúc làm theo lời Bác.
Minh họa bằng những bài viết, Quyết tâm thư, Điện văn và những hình ảnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc trong những năm gần đây, để khẳng định tình cảm của cán bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đối với Bác Hồ và tỉnh Vĩnh Phúc đang từng bước thực hiện lời dạy của Người: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.
Kính mời quý độc giả tìm đọc cuốn sách “Những lần Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc” để thưởng thức những tư liệu về những lần Bác về thăm Vĩnh Phúc được ghi bằng hình ảnh, những tư liệu có bút tích của Bác, những bài viết ghi lại những sự kiện và cả những bài viết chan chứa những cảm xúc của những đồng chí vinh dự được gặp Người. Một số tư liệu chưa có tác phẩm nào đề cập đến, lần đầu tiên sử dụng trong cuốn sách. Sách hiện đang được phục vụ tại các phòng Đọc, phòng Mượn và phòng Địa chí Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoàng Thị Thanh Bình