Ngày đăng: 17/01/2025 09:36
Lượt xem: 321
Địa giới Vĩnh Phúc xưa và nay (Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/02/1950 - 12/02/2025)

         Vĩnh Phúc là một vùng đất cổ nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, trải qua  4.000 năm dựng nước và giữ nước dân tộc, vùng đất Vĩnh Phúc có nhiều đổi thay; có những giai đoạn địa giới Vĩnh Phúc bị sáp nhập, chia cắt do thế lực ngoại xâm chia đất để trị (thời kỳ Bắc thuộc TK 1 đến TK 9; thời Pháp thuộc TK 19 đầu 20); nhưng có lúc việc điều chỉnh địa giới hành chính Vĩnh Phúc lại mang tính lịch sử (từ khoảng giữa TK 20 đến đầu TK 21) của quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.

          Theo tư liệu địa chí: Nguồn gốc Vĩnh Phúc hình thành rõ nét nhất là vào khoảng cuối  thế kỉ XIX khi thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị. Theo đó, các tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên bị cắt xén để thành lập các tỉnh mới như: Vĩnh Yên (năm 1899) gồm một phủ Vĩnh Tường và 4 huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên. Tỉnh Phù Lỗ (năm 1901) gồm phủ Đa Phúc, huyện Kim Anh và một phần huyện Đông Khê (Bắc Ninh), huyện Yên Lãng (Vĩnh Yên). Ngày 10/12/1903, tỉnh Phù Lỗ được đổi tên thành tỉnh Phúc Yên. Đến năm 1913, tỉnh Phúc Yên được người Pháp đổi làm đại lý Phúc Yên, lệ thuộc tỉnh Vĩnh Yên. Nhưng đến năm 1923, Thống sứ Bắc Kỳ lại ra Nghị định lập lại tỉnh Phúc Yên, gồm 2 phủ (Đa Phúc, Yên Lãng) và 2 huyện (Kim Anh - Đông Anh). Đây là tỉnh nhỏ nhất xứ Bắc Kỳ lúc bấy giờ .

          Danh xưng tỉnh Vĩnh Phúc - 1950:

Ngày 12 - 2 - 1950, Chính phủ ra Nghị định số 03 - TTg về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Thực hiện Nghị định của Chính phủ, Hội nghị hợp nhất tỉnh được tiến hành tại thôn Sơn Kịch, xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch). Tỉnh Vĩnh Phúc ra đời, gồm 9 huyện với tổng diện tích 1.715 km,  50 vạn dân, trong đó có hàng ngàn đảng viên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Thực hiện chủ trương “vừa kháng chiến vừa kiến quốc” từ năm 1950, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện song song các nhiệm vụ: vừa chống địch càn quét, bình định, từng bước phát triển chiến tranh du kích và xây dựng căn cứ kháng chiến vùng địch hậu, vừa xây dựng lực lượng kháng chiến, xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến.

          Đến năm 1954 sau khi hoà bình lập lại, địa giới hành chính cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc có thay đổi: Năm 1955 (huyện Phổ Yên tách khỏi tỉnh Thái Nguyên nhập vào Vĩnh Phúc, đến năm 1957 lại trở lại tỉnh Thái Nguyên). Năm 1957 và 1977  (thị trấn Bạch Hạc và hai thôn Mộ Chu Hạ và Lang Đài của xã Bồ Sao huyện Vĩnh Tường chuyển về thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ). Năm 1961 (huyện Đông Anh, xã Kim Chung, huyện Yên Lãng, thôn Đoài xã Phù Lỗ huyện Kim Anh tách khỏi Vĩnh Phúc chuyển về thành phố Hà Nội.

          Thời kỳ Vĩnh Phúc sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú (1968 -1996):

Thực hiện Nghị quyết số 504/NQ-TVQH ngày 26/01/1968 của Quốc hội về việc hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc với tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú. 
          Từ tháng 10/1977 các huyện trong tỉnh Vĩnh Phú hợp nhất thành các huyện lớn. Theo đó huyện Kim Anh và Đa Phúc hợp nhất thành huyện Sóc Sơn; huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc hợp nhất thành huyện Vĩnh Lạc; huyện Tam Dương và Lập Thạch hợp nhất thành huyện Tam Đảo; huyện Yên Lãng và Bình Xuyên hợp nhất thành huyện

Mê Linh (trong đó bao gồm cả Phúc Yên ngày nay)

          Tháng 12/1978 huyện Lập Thạch tách khỏi Tam Dương trở về huyện cũ Lập Thạch; huyện Bình Xuyên tách khỏi Mê Linh và nhập với Tam Dương thành huyện Tam Đảo mới.

          Tháng 3/1979 hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh chuyển về Hà Nội. Nhưng đến tháng 10/1991 huyện Mê Linh lại tách khỏi Hà Nội trở về Vĩnh Phú.

          Ngày 01/01/1996 huyện Vĩnh Lạc tách thành 2 huyện Vĩnh Tường và Yên Lạc.

          Tháng 11/1996 Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 02 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

          Tỉnh Vĩnh Phúc tái lập (1997):

Từ ngày 01/01/1997 tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập. Phía bắc giáp hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang; phía tây giáp tỉnh Phú Thọ; phía đông nam giáp Hà Nội. Diện tích tự nhiên 1.370,73 km2, dân số 1.066.552 người. Gồm các đơn vị hành chính: Thị xã Vĩnh Yên và 05 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Tam Đảo và Mê Linh.   

            Ngày 9/6/1998, Chính phủ ra Nghị định số 36/NĐ-CP tách huyện Tam Đảo thành 02 huyện Tam Dương và Bình Xuyên.

Ngày 09/12/2003 Chính phủ ra Nghị định số 153/2003/NĐ-CP thành lập thị xã Phúc Yên và huyện Tam Đảo mới.
          Ngày 01/12/2006 Chính phủ ra Nghị định  số 146/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tháng 01/2008, huyện Mê Linh tách ra sáp nhập về thủ đô Hà Nội.

Ngày 23/12/2008, Chính phủ ra Nghị định số 09/NĐ-CP thành lập huyện Sông Lô.

Ngày 7/2/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 484 về việc thành lập phường Tiền Châu, phường Nam Viêm thuộc thị xã Phúc Yên; thành lập thành phố Phúc Yên thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Như vậy, sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính để phát triển KT-XH. Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 09 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố: Vĩnh Yên, Phúc Yên và 07 huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Bình Xuyên) và 121 đơn vị hành chính cấp xã (88 xã, 15 phường, 18 thị trấn).
          Năm 2025, nhìn lại chặng đường 75 năm thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (1950-2025); trong đó có 28 năm sáp nhập với Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; và sau 28 năm tái lập (01/01/1997), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc dù ở giai đoạn nào cũng luôn phát huy tốt bản sắc truyền thống, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực; làm tiền đề xây dựng quê hương Vĩnh Phúc “Thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Vĩnh Phúc.

Nguyễn Anh Ngọc

 

 

TLTK:

1.Văn bản số 1871/STTTT-TTBCXB ngày 27/12/2024 của Sở TT&TT v/v kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/02/1950 - 12/02/2025)

2. Địa chí Vĩnh Phúc (sơ thảo). Nguyễn Xuân Lân. Nxb: Sở VHTT Vĩnh Phúc. Năm 2000

3.https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/thongtingioithieu/lichsu/Lists/chongphap1945/View_Detail.aspx?ItemID=2